Trong quá trình dự giờ và đánh giá giờ giảng định kỳ, đánh giá chất lượng giảng dạy các môn học, chúng tôi rất ấn tượng với những phương pháp giảng dạy của nhiều giảng viên khoa Ngoại ngữ.
Khoa Ngoại ngữ tham gia giảng dạy các môn đại cương thuộc các chương đào tạo các hệ chính quy, vừa học vừa làm và liên thông tại Trường. Trong đó, hai môn được Khoa tham gia giảng dạy nhiều nhất là Anh văn cơ bản và Hoa văn. Đây là những môn học mang tính đặc thù, nếu không có phương pháp giảng dạy phù hợp sẽ làm cho người học khó tiếp thu, người giảng dạy cũng rất vất vả trong quá trình truyền đạt. Do đó, nhiều thầy cô ở Khoa đã tiếp thu chỉ đạo của Nhà trường, tìm tòi và sáng tạo ra nhiều giải pháp giảng dạy các môn ngoại ngữ để giúp cho người học dễ dàng tiếp thu kiến thức, nâng cao chất lượng đào tạo.
Giảng viên phụ trách môn Hoa văn khi giảng dạy đã sáng tạo cách đọc các âm của chữ cái, đặc biệt là âm P kết hợp với âm A, những cách nhớ từ vựng rất độc đáo. Giảng viên phụ trách môn Anh văn cơ bản 2 đã sử dụng các nền tảng công nghệ để sinh viên tiếp cận với kiến thức môn học do giảng viên phụ trách. Trên các nền tảng đó, Giảng viên đã đưa ra các yêu cầu cho sinh viên thực hiện, đồng thời cũng thông qua hình thức này đánh giá kết quả học tập của sinh viên với giảng viên. Ở một phương pháp khác, giảng viên giảng dạy môn Reading and Wringting sử dụng phương pháp giảng dạy dựa vào các hình ảnh. Trên cơ sở giáo trình môn học, giảng viên tìm kiếm các video có nội dung tương đồng rồi chiếu cho sinh viên xem, sau đó, yêu cầu sinh viên trả lời các câu hỏi theo clip, hoặc trình bày sự hiểu biết của người học qua nội dung các clip đã trình chiếu. Quá trình dạy, sau khi hướng dẫn khái quát nội dung bài giảng, giảng viên bắt đầu chia các nhóm để tự tương tác với nhau.
Đặc biệt, chúng tôi ấn tượng một số phương pháp giảng dạy của giảng viên môn Practical Grammar 1. Lên lớp, sau khi chuẩn bị các nội dung bài học, giảng viên yêu cầu sinh viên rời khỏi bàn học, lên bục giảng – nơi có không gian đủ rộng để tương tác, thực hiện các nội dung môn học với người dạy. Giảng viên đưa ra các yêu cầu bằng tiếng anh và nhiệm vụ của sinh viên là nghe và làm theo. Các yêu cầu Giảng viên đưa ra để sinh viên nghe, hiểu và làm theo là tương đối đa dạng. Có khi là yêu cầu những sinh viên có cùng đặc điểm sẽ tập trung thành một nhóm, có khi là yêu cầu các sinh viên giới thiệu về những đồ vật sinh viên đang mang trên cơ thể,...Phương pháp giảng dạy này giúp cho sinh viên tương tác liên tục với giảng viên, vận động liên tục. Không khí buổi học hết sức sôi động, hào hứng, sinh viên rất hứng thú với môn học. Tuy nhiên, giảng dạy cách này, giảng viên của phải di chuyển liên tục nên đôi khi cũng vất vả.
Việc sáng tạo của các giảng viên Khoa Ngoại Ngữ trong thời gian qua đã được sinh viên đón nhận nồng nhiệt. Ngoài việc tiếp thu kiến thức hiệu quả, sinh viên còn được rèn luyện và thể hiện được sự tự tin trước đám đông.
Để thực hiện được các phương pháp giảng dạy mới nói trên, nhiều giảng viên chủ động trong việc tìm kiếm các phần mềm học tập, các nền tảng mạng xã hội phù hợp để ứng dụng vào công việc giảng dạy. Đây là sự nỗ lực lớn của các thầy cô trong quá trình giảng dạy tại Trường Đại học Bình Dương, góp phần cùng Nhà trường thực hiện hiệu quả phương pháp 5 người thầy của Trường.
Đức Khâm – Mộng Trinh – Việt Trường