GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY VĂN HÓA CÔNG SỞ TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÌNH DƯƠNG

Thứ ba - 30/01/2024 21:24
Văn hóa công sở Trường Đại học Bình Dương do đội ngũ cán bộ nhân viên, giảng viên, người lao động (CBNV, GV, NLĐ) thực hiện và tạo nên dựa trên những chuẩn mực, đạo đức xã hội và hệ thống chính sách, pháp luật, và nội quy, quy chế, quy định của Nhà trường, được thể hiện qua tinh thần, thái độ làm việc, qua chuẩn mực, đạo đức, lối sống; qua phương thức ứng xử, giao tiếp của đội ngũ CBNV, NLĐ.

Tuy nhiên, trong thực tế, một số CBNV, GV, NLĐ nhận thức phiến diện về vai trò, ý nghĩa của việc giữ gìn các giá trị văn hóa công sở. Môi trường văn hóa công sở chỉ thực sự lành mạnh, trong sạch khi có sự đồng tâm, trên dưới một lòng của toàn thể lãnh đạo, CBNV, GV, NLĐ thông qua việc quyết tâm thực hiện những chuẩn mực, quy tắc đã được thiết lập. Những biểu hiện lệch chuẩn sẽ ảnh hưởng không tốt đến môi trường văn hóa nơi công sở, đến uy tín, hình ảnh của Nhà trường, là những rào cản trong thực thi nhiệm vụ, gây ra những hiểu lầm, ức chế trong nội bộ người lao động.

Hình minh họa: Nguồn Freepik 

Để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa công sở của Trường, toàn thể lãnh đạo, CBNV, GV, NLĐ cần phải thực hiện các giải pháp cơ bản như sau:
Một là, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người lãnh đạo.
Mặc dù, môi trường văn hóa chịu tác động của nhiều yếu tố (văn hóa cá nhân, văn hóa vùng miền, truyền thống của đơn vị, văn hóa thời đại,…), nhưng yếu tố quyết định tạo nên diện mạo văn hóa đặc trưng của Nhà trường vẫn là sự nhận thức và thực hành của đội ngũ CBNV, GV, NLĐ.
Để tạo dựng nền nếp, vai trò của người đứng đầu có ý nghĩa hết sức quan trọng và có tính quyết định. Ngoài việc thể hiện năng lực chuyên môn, rèn luyện kỹ năng lãnh đạo quản lý, lãnh đạo cần phải có khả năng truyền cảm hứng và luôn đi đầu trong việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tiên phong, gương mẫu từ lời nói đến hành động, việc làm mới có thể khiến cấp dưới tâm phục, khẩu phục. Đặc biệt, là việc dẹp bỏ định kiến, cảm xúc yêu ghét nhất thời, suy xét kỹ càng khi ra quyết định và phát ngôn chuẩn mực của lãnh đạo sẽ khiến không khí làm việc của đơn vị trở nên hài hòa, tin tưởng và tiến bộ.

Hai là, xây dựng và hoàn thiện quy chế, quy tắc văn hóa, ứng xử nơi công sở.
Muốn đảm bảo được tính đồng bộ, thống nhất trong toàn cơ quan, phải xây dựng và hoàn thiện các quy chế, quy tắc văn hóa, ứng xử nơi công sở theo hướng bổ sung và hoàn thiện liên tục các quy định về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ các CBNV, NLĐ, GV trong cơ quan, đơn vị.
Theo đó, ngoài các quy định chung của Nhà trường, các đơn vị cần tạo ra môi trường văn hóa, quy tắc ứng xử riêng, đặc thù theo tính chất ngành nghề, công việc. Mỗi đơn vị cần phải có quy định rõ cho CBNV, NLĐ của đơn vị mình về trách nhiệm, tinh thần, thái độ, phong cách và lề lối làm việc. Các tiêu chí, tiêu chuẩn đưa ra phải cụ thể, định lượng, ngắn gọn, dễ vận dụng, thực hành và thuận lợi cho việc kiểm tra, đánh giá.

Ba là, xây dựng bầu không khí làm việc dân chủ, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả.

Muốn có môi trường văn hóa công sở lành mạnh, trước hết phải có cơ chế chính sách bảo đảm tính dân chủ trong mọi hoạt động công vụ. Việc công khai thông tin và tạo ra những chính sách ưu đãi đặc thù từ việc tuyển dụng, bổ nhiệm, đãi ngộ và bảo vệ CBNV, NLĐ có tài, có đức góp phần kiến tạo, giữ gìn văn hóa công sở.
Mỗi CBNV, NLĐ cần đặt lợi ích và công việc chung của tập thể, của học viên, sinh viên lên trên hết, không toan tính, vụ lợi cá nhân. Mỗi người vừa phải rèn luyện thói quen giao tiếp, ứng xử có chuẩn mực, có văn hóa, vừa phải ý thức rõ vai trò, vị trí, chức trách, nhiệm vụ được giao. Đối với các trường hợp lệch chuẩn cần phải cảnh báo, răn đe, phê bình, ngăn chặn kịp thời. Đối với các trường hợp có cách làm hay, sáng tạo để giữ gìn, phát huy văn hóa của cơ quan phải được tuyên dương, khen thưởng, nhận rộng kịp thời nhằm lan tỏa trong cộng đồng Nhà trường.
Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, việc khuyến khích CBNV, NLĐ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực thi công vụ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, giảm áp lực công việc, xử lý hồ sơ giấy tờ cho đội ngũ CBNV, tiết kiệm thời gian, chi phí, hướng đến xây dựng nền hành chính số sẽ góp phần giảm thiểu những hành vi tham nhũng, tiêu cực, đảm bảo sự liêm chính, minh bạch, năng động, hiện đại của Nhà trường tạo được niềm tin, sự kỳ vọng của đối tác, khách hàng.

Bốn là, quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất ngày càng hiện đại, văn minh.
Xây dựng cở sở hạ tầng khoa học, hiện đại góp phần thực hiện phong trào “xanh, sạch đẹp” trong các đơn vị. Thông qua việc bố trí, sắp xếp cảnh quan công sở gọn gàng, xanh, sạch đẹp vừa có tính thẩm mỹ, vừa đảm bảo tính khoa học sẽ tạo ra cảm giác gần gũi, thân thiện, vừa có tính mực thước, lề lối nơi công sở.

Mỗi CBNV, GV, NLĐ cần thực hành việc giữ gìn vệ sinh nơi làm việc. Tạo thói quen bắt đầu ngày làm việc và kết thúc ngày làm việc với 10 phút làm vệ sinh nơi làm việc của cá nhân. Sắp xếp hồ sơ, bàn làm việc gọn gàng sạch sẽ, đi nhẹ, nói khẽ, thực hành văn hóa chào hỏi, xếp hàng, hay nở một nụ cười với đồng nghiệp, học sinh, sinh viên… là những việc cần thiết nên làm.
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh đòi hỏi phải có sự chung tay của cả tập thể và ý thức cá nhân của mỗi CBNV, giảng viên và NLĐ. Môi trường văn hóa sẽ tạo ra sức mạnh đoàn kết nội bộ, giá trị nhân văn, nhân đạo thể hiện trí tuệ, sáng tạo của tập thể và đặc biệt sẽ góp phần kiềm chế, đẩy lùi những mâu thuẫn, bất đồng, những hành vi lệch chuẩn trong Nhà trường./.
Lưu Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây